[ Phân tích đa khung thời gian] Sự quan trọng của sắc thái các khung thời gian trong Trading
Mặc dù phong cách giao dịch sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn khung thời gian ở một mức độ nào đó, nhưng việc nhận ra sự khác biệt và sắc thái của các khung thời gian riêng lẻ một cách rõ ràng sẽ cho phép trader đưa ra quyết định về khung thời gian họ giao dịch dựa trên mục tiêu, nhu cầu cá nhân và đặc điểm tính cách của họ.
Vì thế, trong bài viết này, hãy cùng chungkhoanforex.com khám phá những sắc thái riêng biệt của 2 loại khung thời gian chính trong trading nhé!
1. Khung thời gian cao hơn
Đây thường là các khung thời gian như monthly (theo tháng), weekly (theo tuần) và daily (theo ngày). Trong khi các day trader sử dụng những khung thời gian này để có cái nhìn tổng quan về thị trường và xác định hướng đi chung của thị trường, thì các swing trader hiếm khi đi xuống các khung thời gian thấp hơn khung H4 (4 giờ) và dành phần lớn thời gian của họ cho các khung thời gian này. Giao dịch khung thời gian cao hơn cũng có thể phù hợp nếu bạn vẫn đang đi làm công việc full-time của mình và có quỹ thời gian giao dịch hạn chế.
Mặc dù vẫn có lầm tưởng rằng trade trên các khung thời gian cao hơn sẽ phần nào dễ dàng hơn, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Giao dịch các khung thời gian cao hơn là một trò chơi hoàn toàn khác và đòi hỏi một bộ kỹ năng rất khác. Những trader nào còn chật vật với khả năng kiên nhẫn, thường sẽ gặp khó khăn hơn khi giao dịch ở các khung thời gian cao hơn, nơi việc chờ đợi các tín hiệu vào lệnh có thể mất vài ngày, hoặc thậm chí là vài tuần. Hơn nữa, việc quản lý các giao dịch trên khung thời gian cao hơn đòi hỏi sự ổn định về mặt cảm xúc, vì các bạn phải chấp nhận và đối phó với các đợt thoái lui thường xuyên trong quá trình giao dịch của mình.
2. Khung thời gian thấp hơn
Đây chủ yếu là các khung thời gian H4, H1, M30 và M15. Các khung thời gian này được hầu hết các day trader sử dụng. Sự kiên nhẫn đóng một vai trò thứ yếu hơn trên các khung thời gian này, bởi vì các tín hiệu giao dịch xảy ra thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, những trader có xu hướng overtrade (giao dịch quá mức) và tham gia vào các giao dịch trả thù (revenge trading) thường gặp nhiều vấn đề hơn ở những khung thời gian thấp hơn này, bởi chúng có nhiều cơ hội giao dịch tiềm năng hơn và độ biến động (volatility) cũng cao hơn.
Do đó, việc lựa chọn khung thời gian không chỉ dừng lại ở việc chọn điều tốt nhất đầu tiên mà bạn nghĩ đến hoặc điều gì đó mà các trader khác đề xuất, mà là một yếu tố phải phù hợp với tính cách và trạng thái cảm xúc của bạn.
Kết hợp các khung thời gian khác nhau
Cách tiếp cận top-down được nhiều trader sử dụng và thực hiện phân tích top-down có thể rất hữu ích khi xác định cơ hội giao dịch và lập kế hoạch giao dịch.
Ít nhất mỗi tuần một lần, bạn nên xem qua chart của mình trên khung thời gian monthly và weekly để hiểu mức giá hiện tại đang ở đâu so với bức tranh lớn hơn, hoặc liệu giá có đang tiếp cận các mức hỗ trợ – kháng cự quan trọng hay không.
Việc sử dụng khung thời gian cao hơn làm bộ lọc định hướng cũng có thể cải thiện chất lượng giao dịch của bạn. Ví dụ: Một trader có thể chỉ chọn giao dịch theo hướng mà anh ta đã xác định được trên các khung thời gian cao hơn. Sau đó, các khung thời gian thấp hơn sẽ được sử dụng để phục vụ cho mục đích “market timing” các điểm entry và tìm tín hiệu giao dịch dựa trên phương pháp giao dịch. Bằng cách đi theo xu hướng chung của thị trường, một trader thường sẽ bắt kèo suôn sẻ hơn nhiều và tránh bị đánh lừa trong các tình huống ngược xu hướng.
Hướng dẫn chi tiết cách phân tích đa khung thời gian
Sai lầm lớn nhất mà các trader mắc phải là họ thường bắt đầu phân tích ở khung thời gian thấp nhất và sau đó đi dần lên các khung thời gian cao hơn.
Tuy nhiên, việc bắt đầu phân tích của bạn trên khung thời gian “triển khai vào lệnh” sẽ tạo ra một cái nhìn rất hẹp và một chiều, nó bỏ sót mục đích của phân tích đa khung thời gian. Phần lớn các trader chỉ chấp nhận một ý kiến hoặc định hướng thị trường cụ thể trên khung thời gian thấp hơn của họ và sau đó, chỉ tìm cách xác nhận ý kiến của họ. Cách tiếp cận top-down (từ trên xuống) là một cách khách quan hơn nhiều để thực hiện phân tích của bạn, bởi vì bạn sẽ bắt đầu với cái nhìn rộng hơn rồi đi xuống dần các khung thời gian thấp hơn.
1. Có một cuốn sổ ghi chú vật lý
Trên bàn giao dịch của bạn, hãy đặt một cuốn sổ ghi chú vật lý và với mỗi thị trường bạn giao dịch, hãy ghi lại những gì bạn đã thấy.
2. Chú thích trên biểu đồ của bạn
Tất cả các nền tảng charting đều cung cấp tính năng “text” gõ văn bản và bạn có thể sử dụng chúng để viết trực tiếp lên chart của mình. Bạn cũng nên đánh dấu các khu vực mà bạn quan tâm trên biểu đồ. Bằng cách này, bạn sẽ ít có khả năng “cướp cò súng” và nhập cuộc quá sớm.
Thực hiện phân tích đa khung thời gian – từng bước một
Khi nói đến việc phân tích đa khung thời gian, bạn không cần phải quá “rườm rà”, nhưng cần biết phải làm gì và làm thế nào để tiếp cận nó nhằm xây dựng một thói quen hiệu quả.
Khung weekly/ monthly – Chúng ta đang ở đâu?
Nếu bạn chủ yếu sử dụng khung H4 hoặc H1 để thực hiện các giao dịch của mình, bạn không phải mất quá nhiều thời gian ở đây. Về cơ bản, bạn chỉ cần có cảm giác về xu hướng tổng thể của thị trường và xác định xem liệu có bất kỳ mức giá quan trọng nào ở phía trước hay không (đặc biệt là hỗ trợ – kháng cự dài hạn, hoặc mức đỉnh/đáy hàng tuần hoặc hàng năm nào nên được đánh dấu trên biểu đồ của bạn).
Khung daily – Khung thời gian chiến lược
Vào khung thời gian daily, bạn phải dành nhiều thời gian hơn. Tại đây, bạn sẽ phân tích xu hướng thị trường tiềm năng trong tuần tới và cũng xác định các khu vực giao dịch tiềm năng. Một lần nữa, hãy vẽ các đường hỗ trợ – kháng cự của bạn và đánh dấu các mức đỉnh/ đáy xoay chiều (swing highs/ lows) – ngay cả khi bạn không sử dụng chúng trong giao dịch của mình, bạn vẫn nên để chúng trên biểu đồ của mình vì chúng được sử dụng rất phổ biến.
Khung H4 (H1) – Thực thi lệnh
Giả sử rằng, khung H4 là khung thời gian thực thi lệnh của bạn, đây là nơi bạn vạch ra các giao dịch của mình và các tình huống giao dịch cụ thể. Hãy lấy các mức giá và ý tưởng bạn đã nghĩ ra trên khung daily và chuyển chúng thành các kịch bản có thể hành động trên khung H4 này.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn thấy giá đi đâu, điều gì sẽ xảy ra trước khi bạn tham gia giao dịch và đâu là những tín hiệu bạn vẫn còn thiếu.
Lời kết
Bài viết này đã làm rõ sự khác biệt giữa các khung thời gian trong trading và cũng đã hướng dẫn bạn cách phân tích đa khung thời gian theo cách tiếp cận top-down. Hy vọng các bạn không còn vướng mắc gì về việc lựa chọn khung thời gian giao dịch và có cho mình một kế hoạch hành động phù hợp với khung thời gian đã lựa chọn.
Chúc các bạn thành công với khung thời gian thế mạnh của mình nhé!